Mới đây mình vô tình được một đứa bạn giới thiệu cho một dịch vụ nén ảnh (giảm dung lượng ảnh) tự động trên website mà qua dùng thử trong WordPress, mình thấy dịch vụ này đạt hiệu quả rất cao và khả năng nén có thể vượt cả những plugin chuyên nén ảnh quen thuộc như WP Smush.IT hay EWWW, dung lượng ảnh của bạn càng lớn thì dung lượng được giảm càng lớn (mình thử một tấm ảnh khoảng 478kb thì xuống còn 261kb mà chất lượng ảnh hầu như không thay đổi). Dịch vụ mà mình sẽ nói tới đây có tên là Kraken.io, là một dịch vụ miễn phí kiêm trả phí.
Nội dung chính
Giới thiệu dịch vụ Kraken.io
Kraken là dịch vụ cung cấp API hỗ trợ nén ảnh trực tiếp trên website với công nghệ nén ảnh của riêng họ, và có thể đạt mức nén dung lượng đến 90% mà không hề làm giảm nhiều chất lượng của ảnh. Sở dĩ Kraken lại là dịch vụ trả phí vì bạn có thể sử dụng nó nhiều cách khác nhau như:
- Nén ảnh bằng cách upload trực tiếp trên trang chủ của họ với Web Interface PRO.
- Sử dụng plugin WordPress của Kraken để tự động nén ảnh khi được upload lên hoặc nén các ảnh có sẵn trong thư viện.
- Sử dụng API của Kraken để bạn có thể tự phát triển một tính năng nén ảnh cho website, API của họ có thể làm việc tốt với nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau như PHP, Ruby, Node.js, .NET C và Java. Thậm chí với API bạn có thể nén ảnh có trên các dịch vụ lưu trữ đám mây khác như Dropbox, Amazon S3, RackSpace và Azure.
Như vậy nếu bạn dùng WordPress thì có thể chọn cách sử dụng plugin Kraken Image Optimizer để tự nén ảnh thông qua API của họ (cần đăng ký tài khoản để lấy API Key). Và với Kraken, bạn sẽ được nén ảnh thông qua API trên máy chủ của họ nên sẽ không ảnh hưởng đến tài nguyên trên host.
Hiện tại Kraken hỗ trợ hai phương thức nén chính là:
- Lossless – Nén ảnh mà không giảm bất kỳ điểm ảnh nào, sử dụng nếu bạn có các ảnh cần giữ nguyên độ chi tiết cao. Phương pháp này sẽ giúp ảnh của bạn có thể nén được tối đa khoảng 20%.
- Lossy – Nén ảnh tối đa và loại bỏ một số điểm ảnh không cần thiết nhưng hầu như dùng mắt thường sẽ khó nhận thấy sự thay đổi. Phương thức này có thể nén dung lượng ảnh của bạn giảm đến tối đa 90%. Tốc độ nén của phương thức này cũng lâu hơn.
Kiểm chứng chất lượng
Mình đã từng thử nén một tấm ảnh với hai plugin WP Smush.IT và dịch vụ Kraken thì kết quả vô cùng khác biệt. Cụ thể là cũng với tấm ảnh đó, Smush.IT chỉ có thể nén được 9%.
Nhưng Kraken lại có thể nén được đến 45% mà chất lượng hầu như không khác gì. Dĩ nhiên mà mình nén kiểu Lossy.
Giá cả
Như mình nói ở đầu bài là Kraken.io không phải hoàn toàn miễn phí mà bạn sẽ phải trả phí nếu nén ảnh với số lượng nhiều. Cụ thể với tài khoản miễn phí, bạn sẽ nén được 50MB ảnh trong mỗi tháng và dung lượng ảnh tối đa được upload lên là 1MB, còn trả phí thì gói thấp nhất là $9/tháng với dung lượng ảnh nén tối đa 2GB mỗi tháng với dung lượng ảnh upload để nén tối đa 16MB. Hoặc bạn có thể dùng gói Micro Plan của họ với 500MB mỗi tháng với giá $5/tháng.
Khi đăng ký tài khoản xong, bạn sẽ được dùng gói miễn phí của họ vì đăng ký không cần nhập thông tin thẻ tín dụng để thanh toán.
Sử dụng plugin của Kraken
Sau khi bạn cài đặt xong plugin Kraken Image Optimizer, bạn sẽ cần vào Settings -> Media và nhập thông tin API Key. Bạn có thể thông tin API Key bằng cách đăng nhập vào website của Kraken và lấy ở phần API Credentials.
Sau đó các ảnh bạn upload lên đều tự động được nén bằng Kraken. Còn các hình ảnh cũ sẽ không được nén nhưng bạn có thể nén bằng cách chọn nhiều tấm ảnh cần nén và sử dụng tùy chọn Krak’ em all trong Media Library.
Lưu ý một điều khi dùng plugin đó là quá trình upload ảnh sẽ hơi lâu một chút vì nó phải được nén trước khi có mặt trên host của bạn.
Lời kết
Theo mình đánh giá thì Kraken sẽ vô cùng hữu ích nếu website của bạn có nhiều hình ảnh, đặc biệt là các tấm ảnh có dung lượng lớn làm ảnh hưởng đến tốc độ tải trang cũng như lưu lượng băng thông của host sẽ mất nhiều hơn. Mặc dù là trả phí mới có thể dùng thoải mái nhưng việc bạn được tiết kiệm cả khối lượng băng thông, cải thiện tốc độ website thì việc bỏ ra $9/tháng để sử dụng cũng không có gì quá đáng phải không nào?
Add Comment