Thổi Hồn Vào Tranh Vẽ – Biến bức ảnh sinh động hơn

Vừa là họa sĩ minh họa, blogger, nhà sản xuất phim hoạt hình, tác giả viết sách trẻ em, và kiêm họa sĩ – Christoph Niemann đã định hình lại thế nào là một người đa nhiệm.

Thổi Hồn Vào Tranh Vẽ
Thổi Hồn Vào – Biến bức ảnh sinh động hơn

Tranh vẽ – Làm thế nào mà anh ta thổi hồn và bức ảnh sinh động đến vậy?

“Nói một cách ngắn gọn, tôi làm mọi việc liên quan đến hội họa. Công việc của tôi là thổi hồn vào tranh vẽ, cho dù theo hình thức nào đi chăng nữa.”

Ra đời từ studio tại nhà ở thành phố Berlin, các bức minh họa của Niemann đã tạo nên tiếng tăm vang dội khắp năm châu. Tác phẩm của anh đã góp phần điểm tô trang bìa tạp chí The New Yorker hơn 20 lần, cũng như xuất hiện trên các ấn phẩm nổi tiếng khác như Wired và The New York Times Magazine.

Giờ đây, anh đang chuyển sang thiết kế đồ họa có tính tương tác. Hãy ghé thăm Petting Zoo by C. Niemann rồi vuốt và nhấn vào đám động vật ở đó để xem phản ứng vui nhộn của chúng nhé. Đây là một tác phẩm sắc sảo của một họa sĩ tài ba, đồng thời còn mang đến vô vàn niềm vui cho mọi lứa tuổi. Bên cạnh đó còn có ứng dụng CHOMP by Christoph Niemann, giúp bạn có thể thích thú ngắm nhìn con mình thỏa sức sáng tạo khi ghép mặt vào những hình động vẽ tay đầy ngộ nghĩnh về các loài vật.

Vậy thì, điều gì đã mang lại nguồn cảm hứng cho anh chàng này chuyển hướng từ vẽ vời trên giấy sang thiết kế ứng dụng? Bài viết này sẽ kể về hành trình tạo ra những ứng dụng này, cũng như triết lý hội họa của Neimann.

Từ giấy và mực đến kỹ thuật số

Anh từng làm việc cùng các kênh truyền thông truyền thống trong nhiều năm?

Tôi từng làm họa sĩ minh họa cho báo và tạp chí được một thời gian dài. Nhưng trước khi làm tất cả những việc đó, tôi từng là một cậu bé giàu trí tưởng tượng. Nếu những bức vẽ của mình bước ra cuộc sống thì sao nhỉ? Nếu cái thân hình vẽ bằng mực kia sống dậy rồi chạy lung tung ra khỏi tờ giấy thì sao nhỉ?

Rồi một ngày nọ, tôi gặp iPhone. Màn hình điện thoại ngay lập tức phản ứng với từng cử động chạm của tôi. Thế là tôi nảy ra ý tưởng đầu tiên từ đó. Những bức vẽ trở nên sống động nhờ cái chạm của ngón tay!

Trí tưởng tượng từ thời thơ ấu đã trở thành hiện thực trong ứng dụng Petting Zoo mà anh trình làng năm 2013?

Ý tưởng của tôi trở nên rõ nét và hoàn thiện hơn trong khi tôi chơi game với các con. Khi ấy, các con tôi đang giành phần thắng và đã gợi ý tôi thử chế độ luyện tập. Tôi nhấn một nút và anh chàng cầu thủ nâng một chân lên. Tôi nhấn một nút khác, anh ta lại quay một vòng. Những phản ứng bất ngờ của nhân vật này khiến mọi thứ thật thú vị và hay ho. Vậy là tôi quyết định áp dụng ý tưởng đó vào một ứng dụng cho trẻ em.

Với Petting Zoo, bạn nhỏ chỉ cần dùng một ngón tay để tương tác với những bức vẽ, còn CHOMP lại có thêm một yếu tố mới mẻ: khuôn mặt. Khi khuôn mặt bạn xuất hiện trên camera, bức hình đang chuyển động trên màn hình lại có nét mặt giống bạn. Một chú thỏ mang gương mặt của… tôi ư? Cứ như thể tôi đang nhập vai vậy.

vẽ tranh

Vậy anh đã vượt qua những thử thách nào về kỹ thuật?

Hồi còn nhỏ, tôi từng hợp tác với một người bạn giỏi lập trình. Chúng tôi đã cùng nhau tạo ra một chương trình máy tính để vừa chơi game vừa học toán và tiếng Latinh. Trải nghiệm ấy đã mang lại cho tôi những hiểu biết cơ bản về lập trình. Dù thế, khi phát triển ứng dụng của mình, tôi phải mất đến sáu tháng mới có thể khiến bức hình đầu tiên chuyển động thành công đấy! Thay vì tự mình đương đầu với mọi việc, tôi hợp tác với Jon Huang, lập trình viên tại The New York Times. Bọn tôi hợp tác qua mạng, vì Jon lập trình ở New York, còn tôi thì vẽ ở Berlin.

Anh cũng viết một cuốn sách cho trẻ em. Vậy thì điều gì khiến ứng dụng hấp dẫn hơn so với sách vở giấy?

Tôi nghĩ đó là âm thanh và chuyển động. Tôi thấy đám trẻ nhà mình cứ cười khúc khích khi chúng chơi cùng các ứng dụng của tôi. Khi chạm và nhấn, chúng thấy ngay bức vẽ có phản ứng, điều đó thật tuyệt vời. Giống như chơi với một người bạn ngoài đời vậy. Rõ ràng là tôi không có ý khẳng định rằng ứng dụng thì cao cấp hơn sách, nhưng những trải nghiệm như vậy thì khó mà có được từ những cuốn sách.

Có lẽ một ngày nào đó, số người xem ứng dụng sẽ vượt qua số người đọc sách. Trong khi cả thế giới và số lượng người đọc đều thay đổi, anh có nghĩ rằng các nhà sáng tạo cũng cần đón nhận những thay đổi đó không?

Có chứ. Rõ ràng là chúng ta cần có khả năng đánh giá và tiếp thu những tiến bộ mới nhất. Tuy nhiên, cũng thật nguy hiểm nếu cố tình không quan tâm hay coi nhẹ những “xu hướng mới nhất”. Tôi chỉ phát biểu từ góc độ một người họa sĩ thôi, nhưng tôi nghĩ cách mà mọi người tiếp cận và tương tác với hội họa sẽ còn tiếp tục thay đổi. Cho nên, chúng ta luôn cần điều chỉnh một chút để chắc rằng mình đồng điệu với hơi hướm thời đại.

Với tôi, hội họa là một phương thức giao tiếp và chắc chắn không phải là giao tiếp một chiều.

Nghệ thuật của sự đơn giản

Có phải tất cả những bức tranh vẽ trong cả hai ứng dụng đều được vẽ tay?

Trừ bản phác thảo ý tưởng tôi vẽ bằng bút chì, tất cả những sản phẩm còn lại đều được thực hiện hoàn toàn trên máy tính bảng. Phương pháp đó giúp tôi nắm bắt được bức tranh toàn cảnh của cả ứng dụng, bản thân trải nghiệm mỹ thuật trong đó, cũng như cách mọi thứ hòa trộn cùng nhau. Petting Zoo chứa những bức hình động kéo dài khoảng 8-10 phút, để làm được như thế cần có đến hơn 4.000 bức tranh vẽ. Nếu tôi tiếp cận thử thách ấy theo cách truyền thống, thì chắc giờ tôi vẫn đang vẽ tranh.

Những bức tranh vẽ đơn giản mà sâu sắc luôn để lại ấn tượng khó phai. Anh đã suy nghĩ về những gì khi từ chối lối vẽ cầu kỳ và chân thực hơn?

Ý định của tôi không phải là chú trọng vào việc thể hiện một trải nghiệm sát thực tế. Ví dụ, tôi vẽ một chiếc ô tô, chiếc xe đó được đơn giản hóa theo nguyên mẫu, nhưng trông cũng không “thật” lắm nếu xem xét một cách thực tế. Hãy xét một trường hợp nữa là chiếc ô tô đó được thể hiện ở hình ảnh 3D với độ chân thực tối đa. Vậy bạn nghĩ hai kiểu thể hiện đó sẽ mang lại những trải nghiệm khác nhau gì cho người dùng?

Chẳng hạn, xe mô hình 3D hé lộ rất nhiều thông tin, dù cho đó là thông tin về nhà sản xuất, cấu trúc đường rãnh trên lốp cao su hoặc tông màu kim loại của thân xe. Người dùng sẽ đón nhận tất cả những thông tin ấy.

Nhưng còn những bức tranh vẽ đơn giản hơn thì sao? Chúng gợi người xem nhớ về những kỷ niệm của chính mình. Với một số người, đó là kỷ niệm về chiếc ô tô đầu tiên, còn với những người khác thì lại có thể là chuyến đi đặc biệt mà họ đã dành dụm để chờ đến ngày lên đường. Đó thậm chí còn có thể là ký ức về một chiếc xe đua F1™ đẳng cấp mà họ thấy trên đường đua. Thay vì làm một biểu tượng mang lại thông tin rõ ràng, cứng nhắc, thì bức vẽ này lại trở thành một phương tiện khơi dậy hồi ức. Vì thế, lối vẽ đơn giản thể hiện cái tinh túy, hay cái “hồn” của một chiếc ô tô. Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh đó, sự đơn giản có thể lay động trái tim.

Phương châm làm việc của tôi là nhận biết và lọc ra những khía cạnh không cần thiết khi kể chuyện và cố gắng hết sức để giữ lại những gì tinh túy nhất của câu chuyện.

Tìm kiếm sự đơn giản cũng là ước muốn của rất nhiều biên tập viên App Store khi viết về các ứng dụng.

Tôi nghĩ viết lách cũng như vậy. Giữa hai hình ảnh “ăn món canh nóng hổi đậm hương hoa quả” và “đánh chén ngấu nghiến một bát canh”, đâu mới thật là điều chân thực hơn? Sử dụng nhiều từ hơn, dùng ngôn ngữ bóng bẩy với câu từ hoành tráng cũng chẳng làm món canh ấy đậm đà hơn. Vì thế chúng ta luôn cần tiết chế bản thân. Những tác phẩm hay nhất đều dùng đúng từ ở đúng mức độ.

vẽ tranh

Vậy là hai ứng dụng này cũng là kết quả của việc tự giới hạn bản thân triệt để phải không?

Tất nhiên rồi. Tôi cực kỳ mê vẽ. Tôi có thể hoàn toàn vui lòng ngồi lỳ một chỗ vẽ vời từng cọng lông của một con vật. Tuy nhiên, trước khi quyết định “vẽ lông hay không vẽ lông”, tôi phải tự hỏi chính mình: vẽ lông có làm câu chuyện hấp dẫn hơn không? Hay là chỉ làm dự án này rườm rà hoa lá? Điều quan trọng là tôi thể hiện câu chuyện loài vật hiệu quả đến độ nào, chứ không phải tôi vẽ đẹp ra sao.

Anh đặt ra những ưu tiên hay mục tiêu hàng đầu nào khi sáng tạo Petting Zoo và CHOMP?

Tôi muốn đặt trải nghiệm người dùng lên trên những kinh nghiệm làm họa sĩ của chính mình. Với một em bé 5 tuổi ở Hàn Quốc hay một bạn nhỏ 8 tuổi ở Brazil, kỹ năng hội họa của tôi thật ra lại chẳng quan trọng lắm. Phải tìm được sự kết nối, lay động trái tim và tâm trí các bạn nhỏ. Đó thực sự là những mục tiêu duy nhất mà tôi hướng đến.

Bạn nghĩ sao về bài viết này?
+1
0
+1
0
+1
0
+1
0
+1
0


Lưu ý:
→ Vui lòng bình luận bằng tiếng Việt có dấu.
→ Hãy dùng tên và email thật của bạn khi comment.
→ Không sử dụng keyword trong ô Name.
→ Nếu có ý định Spam link thì hãy quên đi nhé.
→ Tất cả bình luận đều được kiểm duyệt vì thế hãy cẩn thận trước khi comment.
Xin cám ơn!

Add Comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.